Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013


THƯ NGỎ XÂY GIẾNG
TẶNG ĐỒNG BÀO BANA TẠI HUYỆN KRONGPA –GIA LAI
Kính thưa Quý ân nhân,
Theo sự kêu gọi của linh mục Gioan Mai Minh Mạnh tại Bôn Ơi Nu B, xã Ia’R Sươm, Huyện Krongpa, tỉnh Gia Lai muốn xây dựng 02 giếng khoan cho đồng bào dân tộc Bana, nhóm chúng tôi đã có cuộc khảo sát thực tế tại địa bàn trên và biết được rằng người dân ở đây mùa khô thiếu nước trầm trọng. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu dựa vào sông suối, nhưng hiện nay nước đã cạn kiệt, người dân chờ vào cái cơn mưa mới có điều kiện tắm gội sinh hoạt. Trẻ em, người già và phụ nữ thường bị nhiễm các bệnh lý về vệ sinh cá nhân như viêm mắt, viêm tai, viêm da và bệnh lý phụ khoa rất phổ biến ở phụ nữ điều kiện thời tiết nóng ẩm dễ bùng phát dịch bệnh. Để hỗ trợ bà con đồng bào tại vùng trên nhóm chúng tôi lên kế hoạch cụ thể như sau:
-         Số lượng giếng: 02 cây
-         Địa điểm xây giếng:
1.     Bôn Djret, xã Chư Ngọc, Huyện Krongpa, tỉnh GiaLai
2. Bôn Ama Rook, xã Chư Gu, Huyện Krongpa, tỉnh GiaLai
-         Thời gian thực hiện: tháng 5 năm 2013
-         Chi tiết về giếng khoan:
ü  Độ sâu: 120 mét  - Nguyên liệu:
ü  Loại ống 114 giá 200.000 đồng/mét
ü  Loai 130 giá 250.000/ mét
ü  Loai 140 giá 300.000/mét
ü  Tiền công khoan giếng 120m : 25,000,000 đồng (do nền đá nên rất khó khoan)
ü  Ống để đóng sau khi khoang: 460.000/cây - 4m;
Mỗi giếng 120m đóng hết  30  cây chi phí là: 13,800,000 ngàn đồng
ü  Tiền gia công nền giếng và kệ, bồn đựng nước : 7,000,000 đồng
Tổng cộng một giếng: 46,550,000 đồng
Chúng tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ của quý Ân nhân để mang nguồn nước mát, sạch cho đồng bào dân tộc bana.
Xin chân thành cám ơn sự hảo tâm của Quý vị.
Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ về:
Sử Mỹ linh – 093.200. 63.89 – Thủ Quỹ
Thái Nga – 0909. 960.628 – Đại diện nhóm
Bích Nga – 0906. 810. 171- – Gây Quỹ

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Xây giếng cho đồng bào Khmer - Sóc Trăng

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 07 tháng 5 năm 2012
Kính thưa Quý ân nhân!
Tuần vừa qua, nhận được sự kêu gọi giúp đỡ của đồng bào Khmer tại Tỉnh Sóc Trăng  nhóm chúng tôi đã tới Ấp Đại An – xã Đại Tân- H. Mỹ Xuyên, Ấp Trường Lộc – xã Trường Khánh- H. Long Phú và Ấp Phước  Lợi- xã Phú Tân- H. Châu Thành tỉnh Sóc Trăng. Đồng bào Khmer ở đây sống rất nghèo khổ, thiếu thốn, họ sống trong những ngôi nhà rách nát, cả làng không có một giếng nước sạch nào. Tất cả người dân lấy nước trên con kênh nhỏ để sinh hoạt vừa ăn uống vừa giặt giũ tắm gội... Nguồn nước sông ô nhiễm nặng vì mùa mưa thuốc trừ sâu chảy từ ruộng xuống các kênh rạch, thủy cầm nuôi thả rong tất cả làm nguồn nước trở nên bẩn và ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân ở đây, đặc biệt là người già và trẻ em phụ nữ.
Nhóm chúng tôi quyết định sẽ xây tặng đồng bào 3 huyện 10 giếng khoan:
-  5 triệu/ giếng  x 10 cây = 50 triệu đồng
- Thời gian thực hiện: tháng 5 năm 2012
- Địa điểm :
* Ấp Đại An – xã Đại Tân- H. Mỹ Xuyên: 03 cây
* Ấp Trường Lộc – xã Trường Khánh- H. Long Phú : 03 cây
* Ấp Phước  Lợi- xã Phú Tân- H. Châu Thành tỉnh Sóc Trăng : 04 cây
Người phụ trách việc xây dựng : Linh mục  Nguyễn Văn Năm - Giáo xứ Sóc Trăng
Vậy rất mong quý ân nhân đồng hành cùng nhóm Tình thương sài gòn để mang nguồn nước sạch đến cho đồng bào Khmer  nghèo tại các địa điểm trên.
Một số hình ảnh tại làng chúng tôi đã tới:






Nhóm Tình thương sài gòn sẽ xây giếng bơm như hình ảnh dưới đây:


Mọi liên hệ xin gọi về số :
Ms. Sử Mỹ Linh - 01227.9999.63  - Email: sumylinh@gmail.com - Nhóm trưởng
Ms. Bích Nga - 0938.99.11.92 - Thủ quỹ

Xin chân thành cám ơn Quý ân nhân anh chị em, cầu chúc cho Quý ân nhân sức khỏe, thành đạt và hạnh phúc. 

                                                                                                 Tình thương sài gòn!

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

Chuyến đi Tết Tân Mão_Khánh Vĩnh - Khánh Hòa





Vì hình nhiều và dung lượng lớn nên Dương chỉ Post lên 1 số hình của nhóm, anh chị trong nhóm và quý ân nhân muốn coi thêm thì vào mục HINH MOI UP, còn muốn lưu file gốc thì liên hệ với Dương nhé. Cám ơn

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Chương trình từ thiện Tết Tân Mão_2011


CHƯƠNG TRÌNH 
"CHÚT HƠI ẤM MÙA XUÂN"


1. Thời gian:
        . Khời hành : 3g sáng ngày thứ bảy, 22 tháng 01 năm 2011
        . Kết thúc    : 19g tối ngày chủ nhật, 23 tháng 01 năm 2011
2. Địa điểm: Cam ranh_Khánh hòa
3. Nội dung : phát 400 phần quà, mỗi phần trị giá 150.000 VNĐ cho người nghèo dân tộc, người già neo đơn, người tàn tại tại khu vực Cam ranh_Khánh hòa

Rất mong nhận được những tấm lòng quảng đại của Anh chị em và Quý ân nhân xa gần, để bà con nghèo có được một chút niềm vui, chút hơi ấm của mùa xuân mới.
Xin hết lòng biết ơn tất cả mọi người.

Thay mặt ban điều hành _ Khánh Linh.

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Mang Yang- nơi đất trời giao thoa




 
Đọc báo thấy tin miền nam có thể lạnh tới 140C tự nhiên lòng thấy hoang mang, lo lắng. Nếu điều này xẩy ra thì Miền bắc và miền núi cao nguyên chắc phải rét cắt da cắt thịt. Nhóm chúng tôi đã gặp nhau tại một quán café để lên kế hoạch trợ giúp cho vùng cao nguyên.
Tên chuyến đi được đặt là Chút Nắng sài gòn- nhằm mang lại một chút hơi ấm cho người miền núi xa xôi. Địa điểm được nhóm tôi chọn là Huyện Mang Yang thuộc tỉnh Gia Lai nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tôi được biết rằng tiếng Bana Mang nghĩa là Cổng, Yang là trời theo tiếng kinh gọi là Cổng trời.
Chúng tôi bắt đầu quyên góp quần áo, thuốc tây và khăn quàng cổ để lên miền tây nguyên huyền thoại đó.


 Khoảng 5 giờ sáng chúng tôi tới nơi. Cổng trời ngày nay khác xa với trong sử thi Tây nguyên chép lại, dường như rừng đã dần biến mất, khoảng nhìn thấy rừng cứ xa dần tầm mắt, thu bé lại giờ giống như một đường chỉ xanh xám dưới những tia nắng  bình minh. Cái bát ngát mênh mông vẫn còn nguyên nhưng thay vào màu xanh núi rừng trùng điệp giờ  là những sườn núi cằn cỗi với sắn, ngô, lúa cạn và lác đác những căn nhà. Sương vẫn giăng huyền ảo, cùng với lớp ánh sáng diệu kỳ của ánh mặt trời sáng sớm. Núi rừng và đất trời như hòa quyện giao thoa sau màn sương dập dờ, lơ đãng.

Con đường vào làng quanh co  dọc theo sườn núi, nó giống như một con rắn khổng lồ oằn mình tỉnh dậy sau giấc ngủ dài. Cũng may đường bây giờ được rãi nhựa nên dễ dàng cho việc đi lại của đoàn. Chúng tôi được chở vào làng bằng xe gắn máy, cái gió cao nguyên thật lạ lùng, cứ ù ù bên tai, rồi len vào trong da thịt cái cảm giác lạnh giá. Ở đây tôi không có khái niệm về cơn gió vì nó cứ liên tục ào ào như muốn cuốn bay hết tất cả những gì còn sót lại trên mặt đất. Tôi nghĩ rừng giờ không đủ sức để cản những cơn gió qua đây. 


Khi nắng chiếu khắp buôn làng, con gà thôi giục giã, màn sương tan rơi ướt mặt đất , một số co thành những hạt nước tròn vo vương trên lá cành, cây cỏ đúng là lúc chúng tôi tới cổng làng. Các già làng, trai gái bản, trẻ con đã tập trung trước sân của ngôi nhà nguyện nhỏ bé, họ chờ đợi chúng tôi.Khuôn mặt người dân bản xứ thật hiền lành, chân thật tới mức tôi nghĩ thế giới ồn ào,xô bồ  ngoài kia chưa len lõi vào tới đây. Họ vẫn vậy, như ngàn đời xưa những người con của núi rừng. Bây giờ không sống du canh du cư nữa họ ở thành làng rồi làm rẫy một cách tự nhiên, được mùa hay mất mùa thì họ vẫn vô tư . Tôi nghe họ kể về việc làm nương, lên rừng bẻ năng, chặt củi rồi cả việc ra suối lấy nước nữa. Họ nói bằng chất giọng lơ lớ khi phát âm tiếng kinh, lúc lên lúc xuống, lúc trầm lúc bỗng nghe như tiếng khèn, tiếng trống. Họ thật thà tới mức không hiểu cả một câu nói đùa của chúng tôi. Nhìn họ thấy cái nguyên sơ của con người thời xa xưa lắm.  
Khuôn mặt lẫn quần áo những đứa trẻ lấm lem đất đỏ, cái đất luôn vướng víu con người. Sự thơ ngây hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt và nụ cười của chúng khi  đùa với nhau trên sân cỏ, chúng leo trèo, trườn bò hay đi hái trái cây dại ven đường ăn một cách ngon lành.Chúng tự do, tự tại không biết rằng bên ngoài gốc cây rừng  kia có bao nhiêu điều khác lạ đang là thách thức với chúng trong tương lai. Những đứa lớn được đi học chúng hiểu chúng tôi nói gì còn những đứa nhỏ cứ nhìn chằm chằm rồi chú ý động tác của chúng tôi để đoán,khi chúng tôi cười chơi đùa với chúng thì chúng nói Hmach kơ iem( xin chào). Chúng thật đáng yêu.

Chúng thích thú khi chúng tôi chụp hình, chúng xoay tròn lại để ngắm mình trong hình bé tí, chúng cười giòn tươi đóa Giã Quỳ vàng rực trong nắng, ngọt như mật ong rừng và trong veo như tiếng chim rừng.

Trước tiên, chúng tôi phát bánh kẹo cho trẻ  nhỏ. Chúng nhận quà rồi nói Bơnê lơ (cám ơn nhiều). Chúng tôi thấy lòng vui sướng, con mắt chúng tôi cũng kịp dừng lại để nhìn, rồi truyền hình ảnh tới cho con tim cảm nhận cuộc sống của người dân núi rừng. Biết bao nhiêu điều người làng ở đây thiếu thốn nhưng trong ánh mắt họ vẫn tràn ngập hạnh phúc, vui tươi và vô tư tới mức lạ lùng. Phải chăng họ đang bằng lòng với những gì mình có?
Chúng tôi bắt đầu phát áo lạnh,mặc cho từng đứa một để cho cỡ phù hợp. Từ lớn đến bé lần lượt lên để được nhận áo mới. Có đứa cười tươi, có đứa rụt rè dò xét, có em thì khóc ré lên khi chúng tôi dắt tay vào mặc áo. 

Cả đoàn mệt nhoài nhưng vui và thấy lòng hành phúc. Những món quà của chúng tôi mang lên lại được đón nhận trong niềm vui và sự chờ đợi của dân bản làng.
Điểm cuối cùng chúng tôi tới để trao thuốc cho một Nữ tu, ở tại ngôi nhà nhỏ này người phụ nữ này sẽ khám và phát thuốc miễn phí cho người làng vào đầu tuần.  Có những sự hy sinh thầm lặng của những con người tâm huyết với người nghèo.
  

 Cám ơn Quý ân nhân đã giúp đỡ cho nhóm Tình Thương Sài gòn thực hiện được chuyến đi Chút nắng sài gòn  thành công. Xin gửi tới Quý ân nhân lời chúc sức khỏe, thành công và hạnh phúc.

Nụ cười của người dân Bana sẽ đọng lại trong tim của mỗi người chúng ta.
Xin tri ân và cảm tạ!
                                               Thái Nga

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Những bài văn bất hủ của học sinh Việt Nam

1. Đề: Thay lời Âu Cơ kể lại câu chuyện: ”Lạc Long Quân hiện lên và nói với tôi rằng: – Ta và thiếp đến đây hết tình, ta đưa 50 con xuống biển, thiếp đưa 50 con lên bờ. Nói xong rồi Lạc Long Quân nhảy tùm xuống biển.”
2. Đề: tả đường đến trường: Con đường từ nhà đến trường em dài 2 mét. Ra khỏi ngõ, em rẽ phải đi qua quán bà Xuân, rồi rẽ trái đến quán ông Vịnh là rẽ trái tiếp, đi thẳng là tới.
3. Đề: tả người thầy em yêu quý nhất: “Thấm thoắt đã ba mùa hoa ban nở, thầy giáo phải tạm biệt chúng em để về xuôi. Cả làng cả bản đứng tiễn thầy vô cùng ngậm ngùi. Riêng em đứng nhìn theo cho đến khi thấy thầy xa dần, xa dần, đến khi nhỏ bằng con chó em mới quay lại bản”
4.1. Tả con gà: “Nhà em có 1 con gà. Nó là giống gà Đông Cảo. Nó to bằng con gà gi. Nó nặng từ 8-10 kg…” => chả hiểu nó tả giống gà gì?
4.2. Tả con mèo: “Nhà em có 1 con mèo. Đầu nó to bằng quả táo.” – Hi vọng đó là quả táo tàu.Hic!
4.3. Tả con đường đến trường: ”Từ nhà em đến trường có 1 con đường. Em rất yêu con đường này. Em bảo các chú công an trồng thêm cây cho đường thêm đẹp.” => chả hiểu sao nó lại nghĩ công an chuyên đi trồng cây???
5. Hồi nhỏ có anh bạn tả con gà trống thế này: Nhà em có nuôi một con gà trống, hễ nó nhìn thấy con gà mái là nó đuổi đến cùng!!!!
6. Tiền A. Hôm nay em được điểm 10, mẹ em rất vui vì em hay bị điểm xấu. Mẹ em rút ví cho em 5 nghìn. Ôi ít quá, nhưng em vẫn vui vì đây là tình cảm giữa hai con người là em và mẹ em. B. Mở bài: Em yêu nhất là ông nội em vì ông nội rất hay cho em tiền ăn quà.
7. Hồi em học cấp 1, thằng cu học cùng em nó tả con gà trống thế này: “Cứ sáng sớm thức dậy, con gà trống nhà em nó đều nhảy phốc lên cây rơm, gáy ò ó o. Gáy xong 1 hồi dài nó lấy 2 cánh vỗ phành phạch vào mông đít.”
8. Hồi lớp 6, cô văn e kể cô có thèng hs cũ tả anh bộ đội: “Anh bộ đội cao khoảng 1m2, súng a dài 1m rưỡi…”
9. Con bé con mình quen, nó tả cây chuối: “Nhà em có cây chuối rất to, chiều nào em cũng leo lên cây chuối ngồi hóng mát. Khi em leo lên, cành chuối rung rinh”
10. Cô mình dạy cấp 1 nhận được 1 bài văn tả “cảnh sân trường trong giờ ra chơi” thế này: Trống đánh tùng … tùng … các bạn ùa ra sân trường như bầy chim vỡ tổ. Chỗ này các bạn gái nhảy dây, chỗ kia các bạn trai đá cầu, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chửi thề !!!
11. Còn đây là bài tả em bé của 1 em bé: “gần nhà em có một em bé rất dễ thương, vì hay bị té nên đầu em bị móp”.
12. Đề bài: Em hãy miêu tả mùa xuân: “Mùa xuân ở quê em mở rất nhiều hội.Những ngày ấy trên đường có rất nhiều các ông các bà tay cầm ô đen ô đỏ đứng nói chuyện râm ran như bầy chim non đang líu lo gọi mẹ…”
13. Đề: Hãy tả buổi sáng trong vườn nhà em: HS1: Sáng, em ra vườn, nhìn thấy một đống ********** chó. HS2: Sáng, em ra vườn, nhìn thấy 2 con chó đang tơ nhau.
14. Đặt câu với vần: ôm, ốp – Mẹ em tát em đôm đốp.
16. Miêu tả về bố: Bố em có 1 hàm răng vàng, hàm răng vàng luôn chỉ bảo em những điều hay lẽ phải.
17. Chuyện trong gia đình Em gái của em hồi đi học lớp 1 hay 2 gì đó nhưng dốt lắm không biết chữ gì hết. Một hôm bố mẹ kiểm tra bắt nó đọc bài anh Kim Đồng xem. Nó không biết đọc nhìn cái hình có anh Kim đồng chạy có con chim bay trong hình nó đọc là: “Anh Kim đồng đi liên lac ..vụt chim…vụt chim…”
18. Tả thực… Sau tiếng trống trường, các bạn tập trung lại theo lớp của mình để chuẩn bị làm lễ chào cờ. Chúng em đứng ngay ngắn thẳng hàng, mắt nhìn lên lá cờ đang chuẩn bị đc kéo lên. Rồi cô tổng phụ trách nghiêm trang hô: “Nghiêm, cào cờ cào”
19. Và thật thà… “Chiếc xẻng nhà em có rất nhiều công dụng , để hót rác, và còn dùng để xúc ********** nữa.”
20. Em hãy tả hình dáng và tính tình một cụ già mà em rất kính yêu¨ – là đề tập làm văn trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học vừa diễn ra ở tỉnh nọ. Xin trích nguyên văn từ bài làm của học sinh :
– Hình dáng của bà nội rất là thấp được hai mét rưỡi dáng đi rất chậm chạp, mắt thì lừ đừ ít thấy gì nữa. Tính tình cụ già rất là bực bội. Khi bà nội cười liền nhe mầm răng ra còn được ba bốn cái gì mà thôi.
– Con mắt của bà tròn như hòn bi, mũi có hai cái lỗ, cụ già có hai cái tai, tóc của bà đã bạc phơ. Cổ ngắn gọn, thân của bà 2, 3 thước, bà có hai cái tay, có hai cái chân.
– Bà cụ ngoài 40 tuổi. Hình dáng bình thường, chiều rộng ba mươi, chiều cao một mét sáu.
– Khi cười miệng bà em móm mém như miệng cái hố.
– Khuôn mặt ông bầu bĩnh; đôi mắt ông như mắt bồ câu trắng; dáng đii của ông rất hoang thai và cái miệng của ông như trái tim rất mãnh liệt.
– Ông của em dài thì bằng 1 mét và không mập.
21. Nhà em có một con gà. Buổi sáng thức dậy, nó nhảy từ dưới đất lên nóc chuồng, rồi lại nhảy lên đống củi, vỗ cánh và gáy ầm ĩ. Tức mình, em ném đá nó què chân”.
22. “… Cô giáo em đang giảng bài, bỗng nhiên có tiếng gõ cửa như làm ám hiệu: Cạch… cạch… cạch. Và sau làn kính mờ là một bóng đen đứng lặng im. Cô giáo em rón rén ra mở cửa, cả lớp im lặng hồi hộp… Trời! Thì ra là bác hội trưởng hội phụ huynh của lớp…”
23. Thằng nhóc em của con bạn em thì kể: ”Một hôm em về quê chơi. Đang đi ngoài đường thì có một con trâu nó đòi húc em. Con chó của nhà em thấy thế chạy lại nhe răng ra. Con mèo của em bực quá cũng xù lông lên. Em thấy con mèo tức quá nên em mua trà Dr. Thanh cho nó uống…” 
24. Hồi còn đi học cấp 1, lớp e có 1 bạn trai viết văn, đề là e hiểu thế nào về câu tục ngữ ”Có công mài sắt có ngày nên kim”?. Bạn ấy viết ”Em đi học, gặp 1 bà cụ cầm 1 cục sắt rất to, bà mài mãi mài mãi thành 1 cái kim”.
25. Lại còn bé cháu con ông anh mình tả về bố ”Bố mình rất khó tính có lần bố mình nhờ mình đưa cho cái chén mình lại đưa nhầm cái thang nên mình bị bố mình đánh cho 1 trận"

BÀI CHIA SẼ CÁC SOUER - DÒNG ĐAMINH THÁNH TÂM. MANYANG. GIALAI

Giữa giòng đời xuôi ngược ngược xuôi, trong chúng ta ai cũng mong muốn có được cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nhưng thực tế, sẽ không ai giống nhau về phận số. Kẻ giàu người nghèo, người an nhàn kẻ tảo tần vất vả ngược xuôi. Song có phải vì thế mà ta mặc kệ người, mặc kệ đời, miễn sao ta được sống bình an? Hay ta phải làm cái gì đó để giúp người, giúp đời, hầu nụ cười hạnh phúc có thể được rạng rỡ và lan tỏa khắp nơi.
Quả thế, tình thương thì không bao giờ khép lại trên chính mình, nhưng nó được trải rộng ra vô bờ bến. Và một khi có nhiều tâm hồn cùng khao chia sẻ tình thương, thì nó sẽ gặp nhau và làm thành một giòng sông yêu thương lớn rộng. Nhóm “Tình thương Sài Gòn” là một trong những giòng sông yêu thương ấy; nó quy tụ những tâm hồn khao khát được chia sẻ, được đi đến mọi miền, nơi có những mảnh đời cần được chia sẻ đỡ nâng.
Chúng tôi là những người nữ tu Đa Minh Thánh Tâm, hiện đang phục vụ người kinh và anh em dân tộc Bahnar tại H Ra- huyện MangYang- tỉnh Gia Lai. Với sứ mạng truyền giáo và giáo dục, nên chúng tôi không thể dửng dưng trước những cảnh đời còn gặp nhiều đau khổ, bất hạnh. Hơn nữa, sự hiện diện của Đức Kitô là Lời Tin Mừng, Lời Hằng Sống. Do vậy mà chúng tôi càng khát khao hơn nữa sự hạnh phúc đến với muôn người. Trước những người dân tộc Bahnar không có nguồn nước sạch để sử dụng, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những đau ốm, bệnh tật mà họ phải hứng chịu. Nên chúng tôi thao thức làm sao giúp họ có được nguồn nước sạch để sự dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Và trong sự gặp gỡ của những tâm hồn thiện chí luôn hướng về hạnh phúc cho người khác, nhóm “Tình thương Sài Gòn” đã giúp đỡ anh em dân tộc Bahnar có được giếng nước sạch và nguồn thuốc cần thiết để sử dụng. Chúng tôi thật cảm kích trước sự quan tâm và tình yêu thương mà nhóm “Tình thương Sài Gòn” đã dành cho anh em dân tộc Bahnar tại H Ra – huyện MangYang- tỉnh Gia Lai. Chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng, khi bên cạnh mình vẫn còn đó những trái tim, những tấm lòng hằng luôn nghĩ về hạnh phúc của những người nghèo khổ.
Nhân ngày Lễ Bổn Mạng của nhóm “Tình thương Sài Gòn”, chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa ban thật nhiều ân sủng và bình an xuống trên mọi thành viên trong nhóm, để nhóm mãi mãi là những cánh tay, những trái tim mà Thiên Chúa đang cần để yêu thương và xoa dịu những mảnh đời đang cần được chia sẻ– yêu thương.
            CHÚT TÂM TÌNH GỬI ĐẾN NHÓM TÌNH THƯƠNG SÀI GÒN