Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Mang Yang- nơi đất trời giao thoa




 
Đọc báo thấy tin miền nam có thể lạnh tới 140C tự nhiên lòng thấy hoang mang, lo lắng. Nếu điều này xẩy ra thì Miền bắc và miền núi cao nguyên chắc phải rét cắt da cắt thịt. Nhóm chúng tôi đã gặp nhau tại một quán café để lên kế hoạch trợ giúp cho vùng cao nguyên.
Tên chuyến đi được đặt là Chút Nắng sài gòn- nhằm mang lại một chút hơi ấm cho người miền núi xa xôi. Địa điểm được nhóm tôi chọn là Huyện Mang Yang thuộc tỉnh Gia Lai nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tôi được biết rằng tiếng Bana Mang nghĩa là Cổng, Yang là trời theo tiếng kinh gọi là Cổng trời.
Chúng tôi bắt đầu quyên góp quần áo, thuốc tây và khăn quàng cổ để lên miền tây nguyên huyền thoại đó.


 Khoảng 5 giờ sáng chúng tôi tới nơi. Cổng trời ngày nay khác xa với trong sử thi Tây nguyên chép lại, dường như rừng đã dần biến mất, khoảng nhìn thấy rừng cứ xa dần tầm mắt, thu bé lại giờ giống như một đường chỉ xanh xám dưới những tia nắng  bình minh. Cái bát ngát mênh mông vẫn còn nguyên nhưng thay vào màu xanh núi rừng trùng điệp giờ  là những sườn núi cằn cỗi với sắn, ngô, lúa cạn và lác đác những căn nhà. Sương vẫn giăng huyền ảo, cùng với lớp ánh sáng diệu kỳ của ánh mặt trời sáng sớm. Núi rừng và đất trời như hòa quyện giao thoa sau màn sương dập dờ, lơ đãng.

Con đường vào làng quanh co  dọc theo sườn núi, nó giống như một con rắn khổng lồ oằn mình tỉnh dậy sau giấc ngủ dài. Cũng may đường bây giờ được rãi nhựa nên dễ dàng cho việc đi lại của đoàn. Chúng tôi được chở vào làng bằng xe gắn máy, cái gió cao nguyên thật lạ lùng, cứ ù ù bên tai, rồi len vào trong da thịt cái cảm giác lạnh giá. Ở đây tôi không có khái niệm về cơn gió vì nó cứ liên tục ào ào như muốn cuốn bay hết tất cả những gì còn sót lại trên mặt đất. Tôi nghĩ rừng giờ không đủ sức để cản những cơn gió qua đây. 


Khi nắng chiếu khắp buôn làng, con gà thôi giục giã, màn sương tan rơi ướt mặt đất , một số co thành những hạt nước tròn vo vương trên lá cành, cây cỏ đúng là lúc chúng tôi tới cổng làng. Các già làng, trai gái bản, trẻ con đã tập trung trước sân của ngôi nhà nguyện nhỏ bé, họ chờ đợi chúng tôi.Khuôn mặt người dân bản xứ thật hiền lành, chân thật tới mức tôi nghĩ thế giới ồn ào,xô bồ  ngoài kia chưa len lõi vào tới đây. Họ vẫn vậy, như ngàn đời xưa những người con của núi rừng. Bây giờ không sống du canh du cư nữa họ ở thành làng rồi làm rẫy một cách tự nhiên, được mùa hay mất mùa thì họ vẫn vô tư . Tôi nghe họ kể về việc làm nương, lên rừng bẻ năng, chặt củi rồi cả việc ra suối lấy nước nữa. Họ nói bằng chất giọng lơ lớ khi phát âm tiếng kinh, lúc lên lúc xuống, lúc trầm lúc bỗng nghe như tiếng khèn, tiếng trống. Họ thật thà tới mức không hiểu cả một câu nói đùa của chúng tôi. Nhìn họ thấy cái nguyên sơ của con người thời xa xưa lắm.  
Khuôn mặt lẫn quần áo những đứa trẻ lấm lem đất đỏ, cái đất luôn vướng víu con người. Sự thơ ngây hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt và nụ cười của chúng khi  đùa với nhau trên sân cỏ, chúng leo trèo, trườn bò hay đi hái trái cây dại ven đường ăn một cách ngon lành.Chúng tự do, tự tại không biết rằng bên ngoài gốc cây rừng  kia có bao nhiêu điều khác lạ đang là thách thức với chúng trong tương lai. Những đứa lớn được đi học chúng hiểu chúng tôi nói gì còn những đứa nhỏ cứ nhìn chằm chằm rồi chú ý động tác của chúng tôi để đoán,khi chúng tôi cười chơi đùa với chúng thì chúng nói Hmach kơ iem( xin chào). Chúng thật đáng yêu.

Chúng thích thú khi chúng tôi chụp hình, chúng xoay tròn lại để ngắm mình trong hình bé tí, chúng cười giòn tươi đóa Giã Quỳ vàng rực trong nắng, ngọt như mật ong rừng và trong veo như tiếng chim rừng.

Trước tiên, chúng tôi phát bánh kẹo cho trẻ  nhỏ. Chúng nhận quà rồi nói Bơnê lơ (cám ơn nhiều). Chúng tôi thấy lòng vui sướng, con mắt chúng tôi cũng kịp dừng lại để nhìn, rồi truyền hình ảnh tới cho con tim cảm nhận cuộc sống của người dân núi rừng. Biết bao nhiêu điều người làng ở đây thiếu thốn nhưng trong ánh mắt họ vẫn tràn ngập hạnh phúc, vui tươi và vô tư tới mức lạ lùng. Phải chăng họ đang bằng lòng với những gì mình có?
Chúng tôi bắt đầu phát áo lạnh,mặc cho từng đứa một để cho cỡ phù hợp. Từ lớn đến bé lần lượt lên để được nhận áo mới. Có đứa cười tươi, có đứa rụt rè dò xét, có em thì khóc ré lên khi chúng tôi dắt tay vào mặc áo. 

Cả đoàn mệt nhoài nhưng vui và thấy lòng hành phúc. Những món quà của chúng tôi mang lên lại được đón nhận trong niềm vui và sự chờ đợi của dân bản làng.
Điểm cuối cùng chúng tôi tới để trao thuốc cho một Nữ tu, ở tại ngôi nhà nhỏ này người phụ nữ này sẽ khám và phát thuốc miễn phí cho người làng vào đầu tuần.  Có những sự hy sinh thầm lặng của những con người tâm huyết với người nghèo.
  

 Cám ơn Quý ân nhân đã giúp đỡ cho nhóm Tình Thương Sài gòn thực hiện được chuyến đi Chút nắng sài gòn  thành công. Xin gửi tới Quý ân nhân lời chúc sức khỏe, thành công và hạnh phúc.

Nụ cười của người dân Bana sẽ đọng lại trong tim của mỗi người chúng ta.
Xin tri ân và cảm tạ!
                                               Thái Nga